Tiếng vọng từ mái hiên những ngôi đền cổ ở Đất Tổ Hùng Vương đến phố biển Hải Phòng rồi ngược lên phố cổ Đồng Văn ở biên giới cực Bắc mang lại cho tôi nhiều điều kỳ thú nửa thực nửa hư. Nhưng kỳ diệu hơn cả vẫn là mái hiên ngôi nhà tuổi thơ với những câu chuyện âm vang không bao giờ dứt, trở thành hành trang văn hóa cho tôi vững tin bước vào đời...
1 Cuối đông chớm xuân Quý Mão 2023, tôi lại rong ruổi vùng trung du miền núi phía Bắc. Tôi thích thăm thú các thắng cảnh, dâng hương các đền miếu tổ tiên và ngồi dưới mái hiên những ngôi nhà cổ để lắng nghe tiếng xưa âm vọng. Đó là lúc lòng nhẹ như gió thoảng. Đó là lúc hồn bồng bềnh khói sương. Mọi hỉ nộ ái ố tiêu tan theo nước chảy mây trôi.
Đất Tổ Việt Trì - Phú Thọ là nơi đầu tiên tôi đến. Từ sân bay Nội Bài lên đây mấy mươi cây số, rất thuận tiện khi có đường cao tốc. Đã nhiều lần về thăm Đền Hùng nhưng mỗi lần tôi đều có cảm giác khác lạ. Leo từng bậc thang lên núi Nghĩa Lĩnh, ngồi dưới bóng cổ thụ hay bên mái hiên những ngôi đền, tôi như nghe đâu đây bước chân, tiếng nói tổ tiên từ xa xưa vọng về cùng con cháu. Chính những ngôi đền nhỏ nhắn linh thiêng mang tinh thần cội nguồn văn hóa Việt chứ chẳng phải những công trình bề thế hoành tráng đang đua nhau mọc lên để mua bán tâm linh:
Hiển linh đền miếu rồng tiên
Không phải nhà cao tượng lớn chuông to
Không cần quyền danh đại gia kỷ lục
Đền miếu tôn nghiêm khiêm tốn miếu đền
Linh hồn tiền nhân thanh thản đi về nương náu
Non nước rồng tiên hiển linh tình nghĩa đồng bào
Đi từ đền Hạ lên đền Trung, đền Thượng rồi xuống đền Giếng, ở đâu tôi cùng bạn bè cũng dừng chân thắp hương, ngắm cảnh và nghe bạn bè đất Tổ thuyết trình hay kể những câu chuyện mới khám phá. Đặc biệt là đến đền Giếng khi hoàng hôn dần buông, đèn vàng bật sáng, một không gian huyền ảo bao trùm. Sau khi soi mình, uống nước Giếng Ngọc, chúng tôi tập trung ngồi dưới mái hiên đền Giếng để hàn huyên, cùng sống lại ký ức đẹp nao lòng từ truyền thuyết.
Mái hiên thoáng đãng thoang thoảng mùi hương trầm. Một cánh chim lớn bay ngang qua giữa cơn gió xào xạc rừng cổ thụ. Có lẽ ngày xưa hai công chúa con vua Hùng là Tiên Dung và Ngọc Hoa sau khi tắm ở Giếng Ngọc đã ngồi thư thả chải tóc dưới mái hiên này trong tiếng chim kêu vượn hú.
Từ vẻ đẹp truyền thuyết, bây giờ nhìn những phụ nữ cùng đi, tôi thấy ai cũng xinh đẹp như công chúa. Mái hiên những ngôi đền kiến trúc theo lối nhà Việt cổ truyền thật nhẹ nhàng, còn gương mặt những phụ nữ vừa hiện đại vừa “cổ phong” thuần Việt trông thật quyến rũ.
2 Rời núi đồi đất Tổ Hùng Vương, chúng tôi về thẳng thành phố biển Hải Phòng. Điểm đến đầu tiên là Đồ Sơn. Phố cuối đông vắng khách. Biển lạnh sóng to. Sương mù lãng đãng. Điểm du lịch nghỉ mát nổi tiếng này ít có những di tích cổ. Đền Bà Đế thờ bà Đào Thị Hương - vợ chúa Trịnh Giang - dưới chân núi Độc hay đền cổ thờ Nam Hải Thần Vương - ông tổ nghề cá - là những địa chỉ văn hóa tâm linh hiếm hoi.
Mái hiên những ngôi đền cổ này đã được dựng lại bằng bê tông cốt thép với hình ảnh rồng lượn cá bay. Ngồi dưới mái hiên đền Bà Đế trong tiếng sóng biển rì rầm, nghe ông từ giữ đền kể lại câu chuyện mối tình oan khuất của ngư nữ họ Đào với chúa Trịnh mà lòng xót thương. Phải chăng vì mối hận tình của người đẹp xa xưa mà các đôi lứa yêu nhau bây giờ khi đến đây đa số duyên tình không thành như truyền tụng? Sự ngẫu nhiên của đời sống đôi khi xuất phát từ những quy luật tự nhiên khó lý giải.
Vượt hơn 20 cây số từ Đồ Sơn, chúng tôi về trung tâm thành phố Hải Phòng. Ở đây vẫn còn nhiều công trình kiến trúc cổ. Đặc biệt lần đầu tôi được đắm mình trong ngôi nhà toàn đồ cổ của nhà văn Phạm Xuân Hiếu, cũng là một nhà sưu tầm và kinh doanh cổ vật nổi tiếng không chỉ ở thành phố hoa phượng đỏ. Từ đôi đũa, cái chén, bàn ghế, tủ giường đến lộc bình, tranh tường,… đều là cổ vật có giá trị từ vài triệu đến vài tỉ đồng. Nhâm nhi cà phê dưới mái hiên nhà nhìn ra vườn hoa trung tâm thành phố, nhà văn Phạm Xuân Hiếu kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện ly kỳ về thế giới cổ vật. Đặc biệt, chính đồ cổ đã mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều tác phẩm của ông mà mới nhất là tiểu thuyết Thiên hà cổ vật đầy sức liên tưởng sinh động về mối quan hệ sinh tồn của con người và vũ trụ.
Nhà thơ Phan Hoàng dưới hiên nhà cổ Đồng Văn. Ảnh: CTV |
Tôi cũng xúc động khi đến thăm thi sĩ Thi Hoàng - một trong những gương mặt thơ tiêu biểu hàng đầu của thế hệ chống Mỹ. Ông bây giờ được xem như “báu vật” của làng văn nghệ Hải Phòng. Phòng văn ở tầng một nhà ông thật ấn tượng. Mái hiên phía trước cũng thú vị. Gọn nhỏ mà tươi xanh thông thoáng. Nhiều bài thơ hay của ông đã ra đời dưới mái hiên này. Ở tuổi gần bát tuần nhưng niềm cảm hứng thi ca trong ông không bao giờ dứt. Thi Hoàng may mắn có người vợ trẻ chăm sóc rất kỹ càng. Dù nhà có máy lạnh nhưng những đêm trăng thanh gió mát gợi tình, thi sĩ thích ra mái hiên nằm một mình trên ghế gỗ đón gió biển, làm thơ. Ông cũng am hiểu, thích chơi đồ cổ và tranh nghệ thuật. Cổ vật trưng bày từ phòng cho đến mái hiên, đã trở thành những người bạn để ông đối thoại và tìm thi hứng trong tiếng nói vô thanh của những bí ẩn ngàn xưa.
Đêm lạnh dưới mái hiên nhà cổ Đồng Văn, trong dòng suy tưởng hướng về Nam bao kỷ niệm tuôn trào trong tôi. Và tất nhiên tôi không thể nào quên ngôi nhà nuôi dưỡng nên mình với tất cả lòng biết ơn gia đình cùng quê hương.
Nhiều lần di dời, đổi thay nhưng ngôi nhà là tổ ấm gia đình mà suốt đời tôi hướng về, nương tựa. Nơi đó bao người thân ra đi và trở về. Đặc biệt, mỗi lúc xuân về tết đến, mẹ tôi lại lặng lẽ ngồi trước mái hiên nhà đợi từng bước chân con cháu trở về vui vầy sum họp. Trong ký ức tôi, mái hiên nhà lộng gió còn là nơi ông bà, cha mẹ kể những câu chuyện cổ tích, nói thơ, hát bội, hò khoan không bao giờ dứt vào những đêm sáng trăng hay leo lét ngọn đèn dầu. Những câu chuyện trở thành nền tảng văn hóa và ứng xử cho tôi vững vàng bước vào cuộc đời đầy sóng gió:
Dưới mái hiên nhà âm vọng tiếng xưa Nghĩa quân Cần Vương xuất quỷ nhập thần Lục Vân Tiên giữa đường ra tay câu thơ nghĩa hiệp Những anh hùng xếp súng gươm giỏi việc cày bừa Người đàn bà đẹp đảm đang ngang tàng trước bất công xu nịnh Đêm đêm hiên nhà rì rầm những câu chuyện thao thức cha ông |
3 Trong hành trình phương Bắc chớm xuân này, chúng tôi trở lại cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang sau mấy năm xa cách. Đồng Văn nổi tiếng với phố cổ và những ngôi nhà cổ, trong đó dinh thự thủ lĩnh người Mông thường gọi “vua Mèo” họ Vương là biểu tượng thu hút du khách bốn phương. Tọa lạc trên quả đồi hình con rùa giữa thung lũng Sà Phìn, dinh Nhà Vương rộng gần 3.000m2 được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi cao, xây dựng trong vòng 9 năm, từ năm 1898 đến năm 1907, với kinh phí 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương gần 150 tỉ đồng ngày nay.
Dinh thự do “vua Mèo” Vương Chính Đức đầu tư xây dựng, là công trình kiến trúc tổng hòa từ ba nền văn hóa của người Mông, Trung Hoa và Pháp, do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế. Dinh thự có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, gồm 64 phòng được xây 2 tầng, tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ thông và ngói làm từ đất nung, được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Ngồi dưới hiên nhà nhìn ra con đường làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn, rồi ngước nhìn lên mái cong lợp ngói âm dương hay các vách gỗ, bộ cửa được chạm trổ công phu, tinh xảo, tôi thầm khâm phục bàn tay tài hoa của những người thợ dân gian.
Ngoài Dinh Nhà Vương thì Đồng Văn còn nhiều ngôi nhà cổ mang phong cách đặc trưng kiến trúc của người Mông nằm rải rác trên cao nguyên đá. Riêng tại phố cổ thị trấn huyện lỵ trung tâm huyện Đồng Văn, các ngôi nhà cổ sánh vai nhau. Khi chúng tôi lên trên một tòa nhà cao nhìn xuống thì phố cổ trông càng kỳ thú với ba dãy nhà đối xứng xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương gồm 15 gian bao quanh ngôi chợ. Trước mái hiên các ngôi nhà cổ đều bày bán hàng hoặc chè, cà phê.
Đêm cuối cùng ở phố cổ Đồng Văn, khi người thân và bạn bè đã ngon giấc, tôi vẫn một mình ngồi dưới mái hiên một ngôi nhà cổ, bên cạnh là lò than đỏ lửa và cây thông Noel lung linh sắc màu. Chẳng mấy khi người phương Nam được hưởng cái giá rét đêm khuya biên giới cực Bắc. Đó cũng là một ân huệ. Tôi như nghe âm vang đâu đây tiếng vọng của người xưa dày công khai khẩn núi rừng lập bản làng lập phố chợ giữ đất giữ nước. Biên cương thời nào cũng đầy giông tố bi hùng. Và gần đây, Đồng Văn là một trong những nơi ác liệt nhất trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc cuối thế kỷ XX:
“Có những cỏ cây bị đánh cắp xứ người cất lời trách gió
có những hồn thiêng mất quê đớn đau phẫn uất mắt đêm
có những ngọn đồi máu xương vô tình bụi mờ cát phủ.
Có người lính trấn thủ tay gươm tay đàn bồng bềnh mây nước
có người đàn bà trẻ ôm con chân không chấp chới xanh non
có tiếng trống như tiếng gầm hùm beo vọng vang vách đá”.
(Bước gió truyền kỳ)
PHAN HOÀNG